Thông điệp được ông Trần Viết Huân - Tư vấn trưởng về chuyển đổi số, công ty Microsoft Việt Nam nêu bật trong tham luận trình bày tại Hội thảo Nông nghiệp thông minh trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra vào sáng 8/12.
Hội thảo do Tạp chí Thế giới Vi tính phối hợp cùng Hội Tin học TP.HCM (HCA), Nhà văn hóa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thuật TP.HCM tổ chức dưới sự bảo trợ của Sở KHCN Thành phố.
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Chủ tịch HCA, dù là siêu đô thị nhưng TP.HCM có diện tích đất nông nghiệp còn rất lớn, đây là một yếu tố rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
"Vì hiện nay, muốn ứng dụng công nghệ, tự động hóa vào sản xuất nông nghiệp cần một diện tích đất lớn. Khi đó, máy móc, thiết bị mới có thể phát huy tối đa hiệu quả", ông Tuấn nhận xét.
 |
Ông Vũ Anh Tuấn - Tổng Thư ký HCA |
Cũng theo ông Tuấn, việc ứng dụng IoT (Internet kết nối vạn vật) vào nông nghiệp hiện nay không còn quá phức tạp. Chỉ cần lắp thêm các hệ thống cảm biến, xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu trên máy tính và thiết bị di động là có thể sử dụng ngay. Giá thành của các thiết bị IoT hiện nay không còn đắt đỏ và ngày càng nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước cung cấp các thiết bị này.
Trong tham luận Nền tảng trí tuệ nhân tạo cho nông nghiệp thông minh (Enabling Intelligent farming), ông Trần Viết Huân - Tư vấn trưởng về chuyển đổi số, công ty Microsoft Việt Nam khẳng định, việc ứng dụng IoT trong nông nghiệp không đến từ vấn đề kỹ thuật vì công nghệ đã có sẵn, mà vấn đề cốt lõi lại đến từ con người.
 |
Ông Trần Viết Huân |
"Người tiêu dùng có được thông tin của sản phẩm mình mua, còn người nông dân thay đổi được phương thức sản xuất từ truyền thống sang ứng dụng công nghệ", chuyên gia Microsoft nói, "Hiện nay, để ứng dụng IoT vào các mô hình sản xuất nông nghiệp đều rất đơn giản. Chỉ cần đầu tư một hệ thống cảm biến đo chỉ số môi trường. Tiếp đến là chúng ta phát triển một môi trường điện toán đám mây để lưu trữ dữ liệu".
Ông Huân cho biết thêm, với nền tảng và sự phổ thông của mạng Internet hiện nay, người dùng không phải mua máy chủ, phần mềm quản lý nhờ có điện toán đám mây.
"Từ hệ thống dữ liệu, người dùng có thể chủ động điều khiển, thậm chí là có thể điều khiển bằng điện thoại “cục gạch”, và chỉ cần ứng dụng IoT đơn giản như vậy là có thể nâng cao năng suất, chất lượng của trang trại", ông Huân tự tin cho hay.